Nằm tại khoa Bỏng người lớn của Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), tình cảnh của bệnh nhân Vũ Văn Liêm (thôn Lũng Tả, xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) khiến các bác sĩ trong khoa rất thương tâm. Bà Nguyễn Thị Nga lên chăm chồng liên tục khóc bởi không chịu nổi mỗi lần chồng đau. Do tai nạn điện bất ngờ trong lúc làm khiến ông Liêm phải nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, tứ chi tổn thương nặng nề không còn chức năng cử động được.
Vừa ngồi xoa bóp chân cho chồng, bà Nga gạt nước mắt kể lại : “Nhà nuôi 3 con ăn học nên ông nhà tôi đi làm phu hồ ở tận Quảng Ninh. Hôm đó thế nào ông nhà tôi lại cầm chiếc thước nhôm và đang đo đạc một số thứ thì không may chạm vào dòng điện nên bị giật và bất tỉnh luôn. Một số anh em trong làng đi làm cùng đã cho chồng tôi nhập viện và gọi điện về bảo tôi lên viện Bỏng ở Hà Nội luôn. Vì sợ tôi không chịu được tin dữ nên mấy người nói dối bảo chồng tôi không việc gì cả nhưng vẫn cần chị lên chăm, thế là tôi đi luôn. Lên đến viện rồi nghe bác sĩ cho biết về tình hình của ông ấy tôi bủn rủn hết chân tay không biết phải làm như thế nào”.
Nói rồi bà lại khóc và nhìn chân tay chồng. Hai tay, hai chân đều được băng bó kín và không còn nguyên vẹn… Bà sợ phải cắt bỏ hết đi thì chắc chồng sẽ không sống nổi bởi “còn phải làm việc lấy tiền nuôi con ăn học”. Đúng là cha mẹ nào cũng thương con nhưng tình yêu con của người nông dân chân chất này sao khiến người khác nghẹn lòng đến vậy. Nếu như không còn tay chân nữa, bà nào có nghĩ đến nỗi đau của bản thân mà điều duy nhất lo lắng là không còn lao động để nuôi con được nữa.

Bị bỏng điện cao thế khiến chân tay bác Liêm bị hoại tử toàn bộ
Bác sĩ Đỗ Lương Tuấn, chủ nhiệm khoa Bỏng người lớn cho biết: "Bệnh nhân Liêm bị bỏng sâu ở 2 tay do bị giật điện cao thế và hiện tại đang không có cảm giác gì và mất chức năng cầm nắm. Phần chân phải đã bị hoại tử hoàn toàn và đã được mổ cách đây 1 tuần tuy nhiên vết thương vẫn đang phá hủy khiến người bệnh đau đớn. Bệnh đã thế, nhưng còn một điều khiến bác sĩ vô cùng lo lắng đó là bệnh nhân Liêm không có bảo hiểm y tế nên phải chi trả toàn bộ viện phí. Điều này sẽ rất khó khăn và vất vả đối với vợ chồng nghèo chỉ làm nông nghiệp lại đang phải nuôi 3 con ăn học do chi phí điều trị sẽ rất đắt đỏ.
Hôm lên viện, bà Nga dồn được mấy triệu từ tiền bán đàn lợn rồi vội vàng đi luôn nhưng bấy nhiêu sao đủ cho những ngày dài chồng nằm viện. Về phía chủ nhà nơi ông Liêm đang làm xây cho thêm 1 triệu, còn bao nhiêu gia đình tự lo liệu bởi tai nạn bất ngờ không ai mong muốn. Tôi có ý hỏi bà Nga sẽ tính sao, bà đã bật khóc nức nở nói : “Nhà có vài sào ruộng đang phải gặt rồi mà tôi cũng không kịp làm nên nhờ hàng xóm láng giềng gặt cho rồi bán gửi tiền lên. Tất cả chỗ lúa đó chắc được thêm một ít, còn lại thì tôi cũng không biết trông chờ vào đâu cả. Ông nhà tôi không có bảo hiểm y tế nên gia đình phải chi trả toàn bộ… Tôi sợ lắm, chẳng biết làm sao cả”.

Không có tiền chữa cho chồng , bác Nga hoàn toàn bất lực khi không biết bấu víu vào đâu
Nỗi bất lực của người nông dân nghèo không tiền lại trong lúc hoạn nạn khiến giọt nước mắt cũng mặn đắng đến xót xa. Chân tay chồng ra nông nỗi này, rồi không biết sẽ như thế nào nữa nhưng hiện tại số tiền để lo chữa trị trên viện bà cũng không có. Vội vàng gọi hết số có trong danh bạ điện thoại hỏi vay nhưng rồi bà lại khóc bởi ai cũng nghèo như mình, ở quê lại đang vụ chưa có lúa bán nên không ai có. Nằm bên cạnh, chồng vẫn rên những tiếng kêu đau khiến lòng bác càng như có lửa đốt … ngày mai rồi mọi việc sẽ ra sao, bà không dám nghĩ nữa chỉ trực hai dòng nước mắt lại trào ra nức nở.
Theo: dantri |
0 nhận xét :
Đăng nhận xét